Việc Bộ GDĐT siết chặt đầu vào hệ liên thông và giảm chỉ tiêu đào tạo hệ vừa làm vừa học khiến cả 2 hệ đào tạo rơi vào khủng hoảng.
Tại Trường ĐH Công nghiệp Thực phẩm TP HCM, chỉ tiêu hệ vừa làm vừa học năm 2013 là 400. Đợt 1, trường tuyển 200 chỉ tiêu nhưng chỉ có được 99 sinh viên.
Với con số ít ỏi này, trường chỉ duy trì được 2 ngành đào tạo là kế toán và công nghệ thông tin, các ngành khác phải tạm ngưng. Lãnh đạo nhà trường cho biết, trường tiếp tục tuyển 300 chỉ tiêu vào tháng 11 nhưng không hy vọng sẽ tuyển đủ được.
TS Nguyễn Tiến Dũng, Trưởng Phòng Quản trị chiến lược Trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật TP HCM cho biết, năm 2012 trường có 300 hồ sơ dự thi vào hệ liên thông nhưng năm nay chỉ có vài chục hồ sơ.
Cũng lâm vào tình trạng tương tự, Trường ĐH Nông lâm TPHCM còn đang dự kiến sẽ ngừng đào tạo hệ liên thông để tập trung cho hệ chính quy vì tuyển sinh quá khó khăn.
TS Nguyễn Tiến Dũng kiến nghị: “Việc Bộ GDĐT bắt sinh viên hệ liên thông phải thi 3 chung đã gần như chặn lại con đường liên thông. Nguyên tắc cơ bản của đào tạo liên thông là tích lũy và công nhận. Do đó, nên để các trường thỏa thuận đối tượng liên thông, ký kết và xây dựng việc tổ chức đào tạo, quá trình đào tạo trên cơ sở công nhận lẫn nhau... Bộ chỉ nên ra điều kiện quản lý thay vì siết đầu vào như hiện nay”.
Trong khi đó, Bộ GDĐT tiếp tục yêu cầu các trường phải giảm chỉ tiêu hệ vừa làm vừa học theo lộ trình. Năm 2012, chỉ tiêu tại chức được xác định bằng 60% chỉ tiêu hệ chính quy, năm 2013 giảm còn 50% và sẽ tiếp tục giảm trong những năm tới.
Khủng hoảng ngoài công lập
Trường ĐH Lương Thế Vinh chỉ nhận được khoảng 100 hồ sơ trong tổng số 1.000 chỉ tiêu. Trường ĐH Hòa Bình khoảng 140 hồ sơ với 600 chỉ tiêu. Trường ĐH Chu Văn An chỉ nhận được khoảng 50 hồ sơ dù đến 1.000 chỉ tiêu. ĐH Đại Nam tuyển được 700 thí sinh trên tổng số 2.000 chỉ tiêu.
Điển hình nhất là trường ĐH Chu Văn An, theo lãnh đạo nhà trường, đến nay trường mới tuyển được 75 thí sinh, trong khi đó chỉ tiêu được giao là 1.000. Tình trạng tương tự cũng xảy ra với các trường ngoài công lập khác như ĐH Hà Hoa Tiên, ĐH DL Đông Đô…
Tình trạng tuyển sinh bi đát đến mức GS Trần Hữu Nghị, Hiệu trưởng trường ĐH Dân lập Hải Phòng phải đặt câu hỏi: “Tôi không hiểu thí sinh chạy đi đâu? Trường tiếp tục xét tuyển đến 30.10, nếu tình trạng này không cải thiện thì chúng tôi sẽ đề nghị Bộ GDĐT cho trường xét tuyển riêng theo hình thức kết quả 3 năm phổ thông, điểm tốt nghiệp, điểm thi đại học, hạnh kiểm của thí sinh”.
Giải thích nguyên nhân khó tuyển sinh, lãnh đạo các trường ngoài công lập cho biết, tâm lý chung của thí sinh là bất đắc dĩ mới phải vào ngoài công lập, trong khi năm nay nhiều trường ĐH công lập lấy điểm chuẩn ngang điểm sàn sàn và học phí lại thấp hơn thì đương nhiên thí sinh sẽ chẳng thiết tha đến việc nộp hồ sơ vào trường ngoài công lập.
Với phổ điểm năm nay cao hơn hẳn mọi năm, các trường ĐH ngoài công lập được kỳ vọng sẽ dễ tuyển sinh thế nhưng thực tế cho thấy, chỉ còn khoảng 10 ngày nữa là hết hạn tuyển nhưng nhiều trường ngoài công lập vẫn mòn mỏi ngóng chờ từng bộ hồ sơ với tâm trạng bi đát.
Chi tiết tại:http://duhoccip.blogspot.com/
No comments:
Post a Comment