Thursday, 31 October 2013

Các trường nghề tìm mọi cách để hút học viên

Tin tức đào tạo

Từng nổi tiếng với một “thành phố dệt” và đang phát triển nhiều khu công nghiệp, nhưng việc tuyển sinh của các trường dạy nghề ở Nam Định đang rất khó khăn.

Học viên các khoa cơ khí, điện, ô tô phải thực hành trên các mô hình là chính - Ảnh: Hoàng Long



Trường Cao đẳng (CĐ) kỹ thuật công nghiệp Nam Định vốn là trường dẫn đầu về chất lượng dạy nghề tại Nam Định. Mấy năm trước, trường luôn đứng tốp đầu về số lượng, kết quả tuyển sinh, thậm chí có năm bị nhắc nhở, bị phạt vì tuyển quá chỉ tiêu, nhưng bây giờ thì khác.
Hiệu phó nhà trường, ông Nguyễn Viết Đức, cho biết: Chỉ tiêu tuyển sinh năm nay được Bộ Công thương giao là 3.000 nhưng đến nay mới tuyển được 535 em. Việc thiếu học viên (HV) ảnh hưởng tới tất cả các hoạt động của trường, có nhiều khoa, chỉ tiêu là 1.000 HV, nhưng chỉ mở được 1 lớp với 42 người.
“Ban giám hiệu cũng như giáo viên mỗi ngày lên lớp đều nhẩm đếm số lượng HV, lòng ngay ngáy lo bị cắt chỉ tiêu tuyển sinh các năm tới”, ông Đức nói.
Trường “điểm” đã thế, việc tuyển sinh của các trường khác còn khó khăn hơn. Theo thống kê của Sở LĐTBXH Nam Định, hiện tỉnh có 31 trường, đơn vị dạy nghề với tổng chỉ tiêu tuyển sinh là 30.200 HV học nghề. Đến giữa tháng 10, điều tra sơ bộ cho thấy 100% các trường nghề đều chưa đạt chỉ tiêu tuyển sinh, số tuyển sinh học nghề mới đạt gần 50% tổng chỉ tiêu.
Nhiều trường từng “vang bóng một thời” hiện cũng chỉ đạt trên dưới 30% chỉ tiêu. Những trường nghề nhóm dưới đều đang tính phương án tự xin cắt giảm chỉ tiêu tuyển sinh, vì nếu không xin cũng sẽ bị cắt.
 Chèo kéo chiêu sinh ngang bán… sim, thẻ 
Khó khăn trong tuyển sinh đã làm xuất hiện sự cạnh tranh và tạo ra những chuyện bi hài trong tuyển sinh nghề ở Nam Định.
Để giải quyết “cơn khát HV”, các trường nghề đều đến tận các trường THPT, THCS để tư vấn. Theo một số học sinh ở H.Ý Yên, lãnh đạo, giáo viên Trường thủ công mỹ nghệ được quen mặt, biết tên hơn cả ngôi sao ca nhạc, diễn viên nổi tiếng vì trường này đã tổ chức tư vấn nghề, tuyển sinh ở tất cả các trường THCS, THPT của hơn 30 xã, thị trấn toàn huyện và cử đại diện tham dự cả các buổi họp phụ huynh để tư vấn, vận động phụ huynh cho con em đi học nghề.
Cơn khát HV cũng đã tạo ra những hậu quả đáng lo ngại cho môi trường sư phạm nói riêng. Đó là tình trạng các trường nghề nói xấu, “hạ bệ” nhau để tranh giành HV. HV Trường CĐ nghề Nam Định Trần Văn Hải, kể lại: “Hôm đến trường nộp hồ sơ, vừa đến cổng thì có người đến hỏi chuyện rồi khuyên nên sang một trường khác gần đó đăng ký học thì ra trường sẽ có việc làm ngay. Nhập học xong, còn thấy cán bộ tuyển sinh trường khác vào tận khu trọ sinh viên để vận động chuyển trường”.
Anh Lê Văn Thanh, giáo viên một trường THPT tại H.Giao Thủy cho biết: “Không chỉ dịp tổng kết năm học, giờ tháng nào cũng có trường nghề đến xin tư vấn, tuyển sinh. Trường sau nói chất lượng trường trước kém hơn mình, dạy nghề xong không xin được việc làm, rồi thì giáo viên chưa đạt chuẩn… Nhiều cán bộ tuyển sinh quên mất mình đang làm việc trong môi trường sư phạm, đem kể xấu với phụ huynh, học sinh cả chuyện đời tư của lãnh đạo trường khác”.
Đáng nói hơn, vì tuyển sinh không đủ, một số trường nảy ra “sáng kiến” giao chỉ tiêu tuyển sinh đến từng cán bộ, giáo viên. Trường TC thủ công mỹ nghệ là một trong số đó. Một giáo viên trường này cho biết: “Nhà trường yêu cầu mỗi giáo viên phải tuyển được một vài HV thì mới đủ tiêu chuẩn xếp loại thi đua nên chúng tôi bảo nhau thấy mình giống nhân viên bán sim, thẻ điện thoại hơn là nhà giáo”.
Chị Phạm Thị Yến, một giáo viên ở trường TC nghề khác bức xúc: Tôi cả đời đi dạy, làm sao biết tuyển sinh như thế nào. Để đủ chỉ tiêu đành phải nhờ đứa cháu ở quê nộp hồ sơ, nhập học mấy tháng đầu rồi bỏ. Kiểu giao chỉ tiêu tuyển sinh này khiến giáo viên phải làm việc không đúng chuyên môn, thậm chí phải dối trá…
 Hoàng Long 
Chi tiết tại:http://duhoccip.blogspot.com/ 

No comments:

Post a Comment