Monday, 21 October 2013

PGS Văn Như Cương : Cần sửa đổi cả 2 kỳ thi

Ý tưởng hoặc bỏ kỳ thi tốt nghiệp hoặc kỳ thi đại học và thực hiện kỳ thi duy nhất còn lại như thế nào ngay lập tức nhận được ý kiến của các chuyên gia giáo dục đầu ngành và nhiều trường ĐH.

Phó giáo sư Văn Như Cương
“Trong thời điểm hiện tại, cả 2 kỳ thi tốt nghiệp THPT và thi tuyển sinh ĐH-CĐ đều quan trọng cả nên không thể nói giữ kỳ thi nào, bỏ kỳ thi nào. Tuy nhiên, phải làm cuộc “đại phẫu” lại cả 2 kỳ thi chứ nếu cứ để như hiện nay là không ổn”.
PGS Văn Như Cương, Hiệu trưởng Trường THPT dân lập Lương Thế Vinh (Hà Nội) đã có ý kiến đóng góp xoay quanh vấn đề lựa chọn chỉ một kỳ thi tốt nghiệp THPT hoặc thi tuyển sinh ĐH-CĐ.
Đồng thời, theo PGS Văn Như Cương, phải bỏ cách thức tổ chức cả hai kỳ thi vì cả hai kỳ thi hiện nay đều được đánh giá là nặng nề, căng thẳng… nhưng lại không hiệu quả, thậm chí là còn gây tốn kém rất nhiều cho xã hội. Do vậy, vấn đề cấp thiết hiện nay là phải làm cuộc “đại phẫu” cả hai kỳ thi này (kỳ thi ĐH, CĐ và tốt nghiệp THPT).
Nên thay đổi cách thức tổ chức thi
Thưa ông, dư luận đang quan tâm đến đổi mới thi và tuyển sinh, trong đó nhiều chuyên gia đề xuất nên bỏ một trong hai kỳ thi tốt nghiệp hoặc tuyển sinh ĐH, CĐ. Quan điể của ông về vấn đề này như thế nào?
Ý kiến của tôi lại ngược với mọi người. Tôi không muốn bỏ một kỳ thi nào cả, vẫn giữ cả hai, kể cả tên gọi. Tôi nghĩ chỉ thay đổi cách thức tổ chức thi là ổn.
Đối với thi tuyển sinh ĐH đã được quy định trong Luật giáo dục ĐH và nên giao cho các trường tự tổ chức thi. Như vậy, sẽ có trường tổ chức thi một cách nhẹ nhàng, còn trường nào đông thí sinh thì tổ chức thi một lần hoặc hai lần.
Kỳ thi ĐH lúc đó không cần ba chung như hiện nay. Tôi nghĩ, ba chung khiến các trường không chọn được đầu vào như ý muốn.
Ví dụ, đối với khối A, thi một đề toán như nhau trên toàn quốc, cho tất cả các trường ĐH có khối thi này. Trường Sư phạm cũng thi môn toán nhưng mục đích đầu ra là đào tạo các thầy dạy toán ở bậc phổ thông, do đó, yêu cầu bài thi phải khác với trường ĐH Bách khoa là dùng toán cho công việc kỹ sư, cũng khác với những người thi khối A vào ĐH Khoa học Tự nhiên, ĐH Quốc gia với mục đích ra làm nghiên cứu về toán học.
Do đặc thù đầu ra của từng trường mà yêu cầu đầu vào phải khác nhau. Tại sao phải thi chung một đề? Điều này là vô lý. Do đó, các trường được tự tổ chức thi để lựa chọn đầu vào phù hợp với đầu ra của mình. Việc tổ chức thi ĐH phải được giao cho các trường tự quyết định tất cả mọi vấn đề về tuyển sinh như ngày thi, khối thi, đề thi…
Còn kỳ thi tốt nghiệp THPT, nếu bỏ, trong tình hình hiện nay thì học sinh sẽ không học hành gì. Nhưng nếu thi thì cần đơn giản, gọn nhẹ hơn.
Không nên tổ chức cùng ngày, cùng đề… trên toàn quốc. Đề thi phổ thông cần làm nhẹ nhàng hơn, xem như đó là đề thi cuối lớp 12, giống như cuối lớp 10, lớp 11 để cấp chứng chỉ hoặc bằng chứng nhận đã học xong 12 năm phổ thông. Việc này giao cho các sở chủ động làm kể cả ngày thi, công tác chấm thi.
Như tôi đã nói, chúng ta phải thay đổi cách tổ chức thi, không nên tổ chức một kỳ thi toàn quốc tốn kém, rầm rộ như hiện nay nữa.
Các trường hiểu mình cần gì
Trước 3 chung, các trường ĐH, CĐ cũng đã tự tổ chức ra đề, tự chấm thi, tự xác định điểm chuẩn nhưng điều này cũng đã bộc lộ nhiều bất cập. Giờ quay lại, liệu có lặp lại những sai lầm cũ, thưa ông?
Trước 3 chung đúng là các trường được tổ chức ra đề. Nhưng các trường lấy các đề thi trong cuốn bộ đề của Bộ GD-ĐT xuất bản để tổ chức thi.
Điều này đã gây ra nhiều hạn chế. Bây giờ là các trường có thể tự ra đề thi, bởi họ dạy được sinh viên từ năm thứ nhất đến năm cuối và thi tốt nghiệp để cấp bằng cử nhân thì chắc chắn sẽ ra được đề thi đầu vào năm thứ nhất.
Bộ GD-ĐT cũng đã cho phép các trường tự tuyển sinh. Nhưng cho đến nay, chưa một trường công lập nào đăng ký. Ông nghĩ sao về thực trạng này?
Tôi thấy cũng có nhiều trường ngoài công lập đăng ký tự tuyển sinh nhưng Bộ chưa duyệt. Còn các trường công lập thì tôi cũng thấy rất khó hiểu. Nếu tôi là hiệu trưởng một trường công lập thì tôi xin ngay tự tuyển sinh.
Khi được hỏi, không ít trường công lập cho rằng khâu ra đề thi, bảo quản đề thi là cả một vấn đề. Người ta sợ trách nhiệm xã hội khi có sai sót xẩy ra ở khâu này?
Nếu nói như thế thì thật vô lý. Vì chỉ ra đề thi cho trình độ phổ thông mà đã sợ sai sót thì quá trình đào tạo môn học từ năm thứ nhất, thứ hai và cả tổ chức thi tốt nghiệp cho sinh viên thì họ không lo à? Sao họ làm được việc đó mà không làm được tuyển sinh?
Có tự trọng, không ai làm thế
Còn về kỳ thi tốt nghiệp THPT, dư luận không yên tâm khi giao cho các Sở GD-ĐT tổ chức thi vì lo ngại vấn đề tiêu cực, thưa ông?
Thực ra khi giao cho các sở tổ chức thi, Bộ GD-ĐT phải có biện pháp. Còn hiện nay, vì sợ tiêu cực mà để Bộ làm nhưng tiêu cực có hết đâu.
Nếu giao cho các sở GD-ĐT tổ chức kỳ thi tốt nghiệp THPT, theo ông giải pháp nào là hữu hiệu để hạn chế tiêu cực?
Cách đây đã lâu, khi GS. Phạm Minh Hạc còn làm Bộ trưởng có quyết tâm thi tốt nghiệp nghiêm túc giống như năm 2007 vừa qua. Năm đó kết quả thi toàn quốc chỉ đạt trên 60%. Thế nhưng có một Sở GD-ĐT con số học sinh đỗ tốt nghiệp lên trên 90%. Sau đó, ông giám đốc Sở đó không dám về Hà Nội họp, vì ngượng.
Tôi nghĩ thậm chí có thể để các trường THPT tổ chức thi tốt nghiệp cũng không sao. Ví dụ như trường tôi, nếu được tổ chức thi, chắc cũng không có chuyện 100% đỗ tốt nghiệp. Tôi nghĩ ai cũng có tự trọng. Do đó, nên đưa về các sở tự tổ chức thi tốt nghiệp. Những người có danh dự không ai tự vống kết quả thi tốt nghiệp lên làm gì.
Xin cảm ơn ông!

Vĩnh Thịnh – Bá Lâm thực hiện. Ảnh: Vĩnh Thịnh

No comments:

Post a Comment