Tin tức đào tạo
Theo Đề án đổi mới căn bản toàn diện giáo dục, sẽ chấm dứt thi ĐH, CĐ theo phương thức “3 chung”, chuyển sang phương thức dựa vào kết quả công nhận tốt nghiệp THPT và có thể kiếm tra/thi thêm một vài môn hoặc chuyên đề theo yêu cầu của mỗi ngành, mỗi trường.
Chính vì vậy, Hiệp hội các trường ĐH, CĐ ngoài công lập (NCL) đã có phương án đề xuất đổi mới thi. TS.Văn Đình Ưng, Hiệp hội các trường ĐH, CĐ NCL cho biết: “Mục tiêu của phương án mà Hiệp hội đề xuất là tổ chức một kỳ thi sau THPT trên phạm vi toàn quốc, kế thừa ưu điểm của hai kỳ thi trước, đảm bảo một thang đo thống nhất trình độ học vấn THPT trên cơ sở thi 8 môn văn hóa, có tính đến các yếu tố vùng miền. Đảm bảo công bằng, khách quan về đánh giá trình độ học vấn, tạo điều kiện để tuyển chọn người học cho các cơ sở đào tạo nguồn nhân lực trình độ đại học, cao đẳng, trung cấp và nghề nghiệp khác.
Bên cạnh đó, đảm bảo giảm thiểu tiêu cực, phù hợp với điều kiện hiện hành, từng bước hoàn thiện phương án, không tạo nên xáo trộn sau mỗi giai đoạn phát triển. Đảm bảo sự đồng thuận của các cơ sở giáo dục từ phổ thông đến các cơ sở đào tạo đại học, cao đẳng và dạy nghề, từ người học đến dư luận xã hội”.
Thí sinh dự thi đại học năm 2013.
Phương thức thi: Thi theo “ba chung” chung đề thi, chung đợt thi, chung kết quả thi. Đề thi vẫn do Bộ GD&ĐT chủ trì khâu ra đề thi đảm bảo nằm trong chương trình, an toàn bí mật đề thi, đáp án chính xác thống nhất. Bộ cùng các Sở GD&ĐT địa phương, có huy động cán bộ giáo viên các trường đại học cao đẳng trên địa bàn tham gia tổ chức kỳ thi cùng đợt trên phạm vi cả nước. Do tổ chức một kỳ thi nên gọn nhẹ, có thời gian để giáo viên nghỉ hè và dự các đợt tập huấn nâng cao nghiệp vụ trong dịp hè.
Đánh giá trình độ học vấn THPT qua 8 môn thi:
Mục đích hai cuộc thi tốt nghiệp và tuyển sinh khác nhau, nhưng đều dựa trên kết quả chung là trình độ học vấn được đánh giá qua kỳ thi, chủ yếu các môn thi được tổ hợp từ 8 môn văn hóa: Văn, Toán, Lý, Hóa, Sử, Địa, Sinh, Ngoại ngữ.
Trên cơ sở kết quả thi để xét tốt nghiệp THPT và xét tuyển sinh vào các hệ đào tạo, các ngành nghề đào tạo phù hợp. Các môn thi là: Văn, Toán, Lý, Hóa, Sinh, Sử, Địa, Ngoại ngữ. Đây là các môn văn hóa rất cơ bản, là nền tảng kiến thức phổ thông, đã từng được chọn làm môn thi trong các tổ hợp 3 môn hay 6 môn thi của hai kỳ thi nhiều năm qua.
Từng bước chuyển từ phối hợp đề thi trắc nghiệm khách quan với đề thi tự luận, tiến đến hầu hết các bài thi bằng đề trắc nghiệm khách quan với mỗi thí sinh một đề để giảm tiêu cực trong tổ chức thi và chấm thi.
Tổ chức thi cùng đợt vào thời gian thích hợp : Tổ chức thi vào giữa tháng 7 hàng năm, thời gian 4 ngày thi 8 buổi (mỗi bài thi một buổi). Chấm bài trắc nghiệm khách quan bằng máy.
Sử dụng thang điểm rộng để đánh giá kết quả thi. Đề nghị xây dựng thang điểm rộng 400 điểm, mỗi môn thi 50 điểm: (8 môn X 50 điểm = 400 điểm). Dùng thang điểm rộng là phù hợp xu thế chung của thế giới ngày nay.
Điểm tốt nghiệp cho các thí sinh, sau khi đã cộng điểm theo vùng miền và diện ưu tiên chính sách, từ 200 điểm trở lên. Với phổ điểm rộng này đảm bảo có sự bù trừ về năng khiếu, lực học của học sinh, thể hiện trong làm bài thi có môn khá bù cho các môn yếu, dẫn đến tổng điểm 8 môn đáp ứng yêu cầu giáo dục toàn diện, hầu hết các học sinh học lực trung bình, học sinh chăm chỉ đủ điều kiện thi sẽ đạt yêu cầu từ tổng điểm tốt nghiệp trở lên.
Các cơ sở đào tạo căn cứ vào: Chỉ tiêu tuyển sinh, yêu cầu trình độ và loại học vấn chung của cơ sở hay từng ngành đào tạo của cơ sở, phổ kết quả điểm thi của thí sinh cả nước và vùng địa phương để thiết kế tổ hợp các môn văn hóa và tổng điểm thi các môn đó cho từng ngành đào tạo của trường; có thể lấy hệ số hai (2) cho môn văn hóa mà ngành nghề đào tạo cho là quan trọng. Đồng thời phải tính cộng điểm ưu tiên theo vùng miền, theo đối tượng ưu tiên chính sách của Nhà nước (thực hiện theo qui định chung của Bộ GD&ĐT).
Thí sinh tốt nghiệp THPT mới được xét tuyển vào các trường đào tạo đại học, cao đẳng. Thí sinh đã tốt nghiệp THPT các năm trước nhưng không đỗ đại học cao đẳng, muốn tham gia xét tuyển sinh đại học cao đẳng năm sau chỉ cần đăng ký tham gia thi lại các môn theo phương án xây dựng điểm chuẩn của trường mà thí sinh có nguyện vọng xin vào học.
Thực hiện phương án thi mới theo Đề án đổi mới căn bản toàn diện giáo dục thì phương án thi “3 chung” chính thức bị “xóa sổ”. Theo TS. Văn Đình Ưng, Hiệp hội các trường ĐH, CĐ NCL, phải công nhận “ba chung” đã có những ưu điểm như: Các trường không phải ra đề thi riêng, hạn chế luyện thi tràn lan, xóa sổ nhiều lò luyện thi; thí sinh có thể dùng kết quả thi chung để xét tuyển nguyện vọng 2, NV 3 tại các trường cùng khối thi đang còn chỉ tiêu xét tuyển. Nhưng cũng phải thấy rằng có nhữngnhược điểm của “ba chung” là: Chuyển công đoạn thi của nhà trường thành công việc của Bộ GD&ĐT, nhà trường thì “mất việc”. Cả nước thêm một kỳ thi căng thẳng, huy động tổng lực các Bộ, ngành, địa phương, gây tốn kém nhiều mặt... Đặc biệt từ khi quy định thêm “điểm sàn” chung cho cả nước, thì công tác tuyển sinh của các trường càng khó khăn. Với hàng trăm trường đa dạng khác nhau, cùng với hàng nghìn ngành nghề phong phú mà chịu sự chi phối chung của điểm sàn là không có đủ cơ sở khoa học - thực tiễn, gây khó khăn cho công việc tuyển sinh của các trường tốp trung bình trở xuống, các trường địa phương và ngoài công lập. Đến nay, thi “ba chung” đã hoàn thành sứ mệnh của nó. PGS.TS. Phạm Văn Điển - Phó Hiệu trưởng ĐH Lâm nghiệp Việt Nam: Bỏ điểm sàn chung là cách làm tiến bộ và tất yếu! PGS.TS. Phạm Văn Điển cho rằng, bỏ điểm sàn chung tức là chuyển "màng lọc chung" thành nhiều "màng lọc riêng" có nét đặc trưng, sáng tạo và phù hợp cao với xu thế tự chủ của các trường đại học. Về việc bỏ điểm sàn, nâng cao chất lượng đầu vào, PGS. Điển đưa ra 2 phương án, cụ thể là: Bỏ điểm sàn, nhưng có thể vẫn duy trì kỳ thi ba chung và Bỏ điểm sàn, có thể bỏ luôn kỳ thi ba chung phức tạp và căng thẳng. Cả hai phương án đều thỏa mãn với yêu cầu tự chủ của các trường đại học. Nếu thực hiện Phương án 1, các trường cần được quyền lựa chọn thí sinh dựa trên cơ sở đáp ứng yêu cầu về một số môn thi nào đó (không nhất thiết phải theo đúng tổ hợp khối thi như hiện nay). Cách làm này sẽ giúp cho tất cả các môn học ở bậc phổ thông đều được chú trọng, đồng thời hạn chế sự cứng nhắc của khối thi, vốn là một nhân tố rào cản cho việc chọn ngành đối với nhiều thí sinh vì không phù hợp với sở trường, năng khiếu của họ. Nếu thực hiện Phương án 2, các trường sẽ tự chủ xây dựng tiêu chí tuyển sinh cho từng ngành học, chủ động vận hành hoạt động tuyển sinh (trong một năm có thể tuyển sinh thành nhiều đợt - một hình thức giảm tải trong khi cho phép tăng qui mô và phù hợp với đào tạo theo tín chỉ). Đây là cách làm tốt, có tác dụng xác lập thương hiệu, uy tín của từng trường cũng như thúc đẩy sự phân tầng các Trường ĐH. Một số trường có thể bị đào thải sau khoảng thời gian nào đó - trái với mong đợi cho rằng, dùng điểm sàn để cứu các trường như hiện nay. Với quan điểm này, PGS Điển cho rằng: Trường nào tồn tại và phát triển được sẽ là trường ĐH tự chủ về học thuật. Sức vươn và quá trình cạnh tranh, đào thải tiếp theo của những trường này chính là động lực cho sự hoàn thiện chính sách vĩ mô của Nhà nước. Mặt khác, vai trò vĩ mô chủ yếu của Bộ GD-ĐT là điều tiết chính sách vĩ mô nhằm tạo ra môi trường lành mạnh cho các trường phát triển, cạnh tranh, phân tầng và hội nhập. |
Theo Dantri.com.vn
Chi tiết tại: http://duhoccip.blogspot.com/
No comments:
Post a Comment